Bài học cuộc sống trong sách 'Khi hồng hạc bay về'
"Khi hồng hạc bay về" là trải nghiệm của Hòa thượng Thích Huyền Diệu trên đất Nepal, gửi gắm bài học về sự kỳ diệu của cuộc sống.
Hòa thượng Huyền Diệu nói cảm hứng viết cuốn sách đến sau khi ông sang Nepal học tập, sinh sống những năm 1980, được chứng kiến cuộc sống của loài chim hồng hạc tại Lumbini. Trong quá trình thực hiện công việc bảo vệ giống chim quý, ông đến các vùng, miền, giúp đỡ nhiều người, từ đó chiêm nghiệm các bài học nhân sinh.
Cuốn sách ghi lại quá trình thầy Huyền Diệu làm từ thiện, xây cầu, xây chùa, bệnh viện ở Nepal, những suy ngẫm của ông về chiến tranh và hòa bình, sự sống và cái chết, sự thành công, luật nhân quả... Ông viết: "Tôi một mực tin tưởng rằng nếu chúng ta luôn tâm niệm làm việc phước đức thì sẽ gặp được phép lạ ngay trong cuộc sống. Đây là một điều màu nhiệm mà bản thân tôi đã chiêm nghiệm được để từ đó luôn tìm cách áp dụng trong đời và nay xin được chia sẻ cùng bạn đọc".
Ông đưa ra những bài học tình huống gần gũi để người đọc giác ngộ, không chỉ làm những điều mang lại lợi ích trước mắt. Chẳng hạn, trên đường đi ta nhìn thấy miếng ván có cây đinh rỉ sét, có thể đâm vào chân ai đó. Nếu chúng ta dừng lại chỉ một phút vứt bỏ miếng ván, biết đâu sẽ tránh tai họa về sau. Nếu không, ta thử hình dung một người lớn tuổi đạp vào cây đinh rỉ, vết thương nhiễm trùng, không kịp cứu chữa, qua đời, để lại vợ dại, con thơ.
Trong sách, thầy Huyền Diệu cũng nhắc lại nhiều giáo lý nhà Phật, điển hình như lời Phật Thích Ca, được khắc trên chùa Đại Bồ Đề (Ấn Độ), nói về nỗ lực hướng thiện của mỗi người: "Cao thượng hay thấp hèn, thành công hạnh phúc hay thất bại khổ đau là do chính mình, chính hành động của mình".
Thượng tọa Thích Thọ Lạc - Trưởng ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam - nhận xét cuốn sách được viết bởi "một người Việt Nam có đầy đủ bi, trí, dũng, đầy đủ tâm từ của nhà Phật, đủ tâm, trí tuệ, thông thái và sự dũng cảm".
Hòa thượng Huyền Diệu tốt nghiệp khoa thần học (Đại học Sorbonne, Pháp), sau đó đến Nam Á tu hành 40 năm. Ông là người có công xây dựng ngôi chùa quốc tế đầu tiên trên đất Nepal. Những năm gần đây, ông trở về nước, tham gia nhiều buổi diễn thuyết truyền cảm hứng cho các Phật tử.